Kinh tế Nhà_Lý

Nông nghiệp

Kinh tế thời nhà Lý chủ yếu dựa vào nông nghiệp, vì thế trong suốt thời gian của triều đại này, có nhiều việc làm của các vua hay các chiếu chỉ liên quan đến vấn đề bảo vệ và phát triển nông nghiệp. Nhà Lý áp dụng chính sách ngụ binh ư nông, cho binh lính thay nhau về làm ruộng, có tác dụng phát triển sản xuất nông nghiệp, sức lao động không bị thiếu. Binh sĩ thay nhau nghỉ 1 tháng 1 lần về cày ruộng tự cấp.

Ruộng đất thời Lý gồm có ruộng công, ruộng tư và đặc biệt, do Phật giáo phát triển mạnh, có ảnh hưởng lớn trong đời sống chính trị - xã hội nên nhà chùa sở hữu một bộ phận ruộng đất (không thuộc ruộng công lẫn ruộng tư).

Ruộng công

Gồm có:[21]

  • Quốc khố điền là ruộng công của triều đình mà hoa lợi thu được sẽ dự trữ vào kho của vua để chi dùng cho hoàng cung.
  • Đồn điền là ruộng đất hình thành từ việc khai hoang ven sông, ven biển thuộc đồng bằng sông Hồng, sông Mã, sông Lam.
  • Ruộng tịch điền là loại ruộng do triều đình trực tiếp quản lý, hoa lợi dùng cho triều đình. Hằng năm, nhà Lý vẫn duy trì cày ruộng tịch điền là hình thức kế thừa từ thời Tiền Lê.
  • Ruộng sơn lăng là loại ruộng dùng vào việc thờ phụng tổ tiên dòng họ nhà vua.
  • Ruộng công làng xã là ruộng giao cho các làng xã quản lý, do những người lính nhàn thời bình về cày cấy.
  • Ruộng thác đao và ấp thang mộc là ruộng ban thưởng cho quan lại, công thần. Nhưng loại ruộng này chỉ dành cho 1 đời công thần, không truyền được cho con cháu và công thần cũng chỉ được hưởng phần thuế thu từ ruộng đó[22].

Ruộng đất nhà chùa

Là đất đai do nhà chùa quản lý, chiếm số lượng khá lớn[23].

Ruộng tư

Chế độ sở hữu ruộng tư thời Lý khá phổ biến và phát triển. Pháp luật cho phép các tầng lớp trong xã hội mua bán ruộng đất.

Việc đo đạc ruộng đất thời Lý đã xuất hiện, nhưng đơn vị đo lường tính chưa thống nhất; nơi tính theo mẫu, nơi tính bằng thước[24]. Để phát triển nghề nông, triều đình đề ra những biện pháp như quy tập người tha hương trở về quê quán để đảm bảo sức lao động ở nông thôn; trị nặng tội ăn trộm và giết trâu bừa bãi...[25].

Ngoài ra triều đình còn chú trọng việc trị thủy, đắp đê, nhất là vùng châu thổ sông Hồng. Năm 1077, Lý Nhân Tông ra lệnh đắp đê sông Như Nguyệt dài 67.380 bộ. Các công trình thủy lợi tiêu biểu thời Lý là việc đào sông Đản Nãi (Thanh Hóa) năm 1029, đào kênh Lãm (Ninh Bình) năm 1051, khơi sâu sông Lãnh Kinh năm 1089 và sông Tô Lịch năm 1192. Sử sách ghi nhận những năm được mùa lớn như: 1016, 1030, 1044, 1079, 1092, 1111, 1120, 1123, 1131, 1139, 1140[26].

Nhờ sự quan tâm phát triển nông nghiệp và làm thủy lợi của nhà Lý, nước Đại Việt có thế đứng và phát triển khá vững chắc, đời sống nhân dân tương đối ổn định[26].

Thủ công nghiệp

Trong cung đình, những người thợ thủ công lao động cho triều đình gọi là thợ bách tác. Sản phẩm họ làm ra để phục vụ hoàng cung. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, tháng 2 năm 1040, "vua Lý Thái Tông đã dạy cung nữ dệt được gấm vóc. Tháng ấy xuống chiếu phát hết gấm vóc của nước Tống ở trong kho ra để may áo ban cho các quan, từ ngũ phẩm trở lên thì áo bào bằng gấm, từ cửu phẩm trở lên thì áo bào bằng vóc, để tỏ là vua không dùng gấm vóc của nhà Tống nữa".[2]

Trong dân gian, nghề chăn tằm ươm tơ, dệt lụa, làm đồ gốm, xây dựng đền đài, cung điện, nhà cửa rất phát triển. Ngoài ra, nghề làm đồ trang sức bằng vàng, bạc, nghề làm giấy, nghề in bảng gỗ, đúc đồng, rèn sắt, nhuộm vải, khai thác vàng lộ thiên[27] đều được mở rộng. Có những công trình do bàn tay người thợ thủ công Đại Việt tạo dựng nên rất nổi tiếng như chuông Quy Điền, tháp Báo Thiên (Hà Nội) v.v...

Thương nghiệp

Cảng Vân Đồn có vị trí rất quan trọng cho hoạt động ngoại thương, nằm trên trục hàng hải từ Trung Quốc xuống các nước Đông Nam Á vì thế rất thịnh vuợng vùa trù lhú. Ngoài ra, nơi này còn thuận lợi cho việc đỗ tàu thuyền. Ngoài Vân Đồn, vùng biển Diễn Châu cũng là nơi có hoạt động ngoại thương phát triển[28].

Các đối tác chủ yếu của Đại Việt là Trung Quốc, Chiêm Thành, Trảo Oa tức đảo Java, Lộ Lạc tức vương quốc Lavo, Chân Lạp - quốc gia vùng Mê Nam - Mê Nam, Tam Phật Tề tức Srivijaya ở đảo Sumatra, Đại Thực quốc ở vùng Trung Đông, người Cao LyNhật Bản.

Tại vùng biên giới, những người dân tộc thiểu số cũng qua lại buôn bán với nhau. Theo sách Lĩnh ngoại đại đáp của Nam Tống, người Việt thời Lý thường sang Trung Quốc buôn bán qua hai ngả là trại Vĩnh Bình trên bộ, nằm ở biên giới với Ung Châu và đường biển là cảng châu Khâm và Liêm. Nhà Lý cũng thường cử sứ giả sang buôn bán, gọi là "đại cương". Nhà Lý cử sứ giả sang Trung Quốc ba lần để thống nhất cân đo, tạo điều kiện cho buôn bán.

Hàng hóa xuất khẩu của Đại Việt chủ yếu là thổ sản; hàng nhập khẩu bao gồm giấy, bút, , vải, gấm. Các thương nhân Đại Việt thường mua trầm hương của Chiêm Thành để bán lại cho thương nhân người Tống.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: Năm 1149 tháng 2, thuyền buôn ba nước Trảo Oa (Java), Lộ Lạc (có thể là Lộ Hạc - La Hộc - Lavo ở Lopburi, Thái Lan, Lộ Hạc có khả năng là nước Locac được nhắc đến trong du ký của Marco Polo), Xiêm La[lower-alpha 1] vào Hải Đông (tỉnh Quảng Ninh ngày nay) xin cư trú buôn bán, bèn cho lập trang ở nơi hải đảo, gọi là Vân Đồn hay năm 1184 tháng 3, người buôn các nước Xiêm La và Tam Phật Tề (Srivijaya ở đảo Sumatra, được nhắc đến với tên Thất Lợi Phật Thệ từ thế kỷ VII và với tên Tâm Phật Tề từ thế kỷ V trong thư tịch Trung Quốc) vào trấn Vân Đồn dâng vật báu để xin buôn bán [29].

Tiền tệ

Thuận Thiên đại bảo

Thương mại phát triển bước đầu, nhu cầu trao đổi hàng hóa trong nước ngày càng tăng. Nhà Lý đúc tiền bằng hợp kim đồng – giống như tiền lưu hành ở vùng Đông Nam Trung Quốc khi đó[30]. Tuy nhiên, tiền do triều đình đúc ra không đáp ứng đủ nhu cầu lưu thông hàng hóa nên nhiều đồng tiền nhà Tống và thậm chí thời Đường vẫn được lưu hành trong nước.[31]

Các nhà khảo cổ hiện nay phát hiện được sáu loại đồng tiền được xem là tiền do các vua nhà Lý phát hành: Thuận Thiên đại bảo, Minh Đạo thông bảo, Càn Phù nguyên bảo, Thiên Phù nguyên bảo, Thiên Cảm thông bảo, Thiên Tư thông bảo.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Nhà_Lý http://www.informatik.uni-leipzig.de/~duc/sach/dvs... http://www.informatik.uni-leipzig.de/~duc/sach/dvs... http://www.informatik.uni-leipzig.de/~duc/sach/dvs... http://www.informatik.uni-leipzig.de/~duc/sach/dvs... http://vietsciences.free.fr/vietnam/sudia/nhungcuo... http://www.avsnonline.net/library/ebooks/vn/lichsu... http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&... http://www.1000namthanglonghanoi.vn/index.php?act=... http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Cong-nghe/35399/l78... http://www.nguoihanoi.com.vn/modules.php?name=News...